Bệnh trĩ là một bệnh phổ biến ở cả nam và nữ, nhất là với những người trên 50 tuổi đây là căn bệnh đứng hàng đầu trong các bệnh lý vùng hậu môn. Một thực trạng rất đáng lo ngại là những người bị bệnh trĩ thường đi khám và điều trị rất trễ vì tâm lý e ngại, nhất là phụ nữ. tìm hiểu sớm về bệnh để có biện pháp chữa trị sớm bệnh là điều cần thiết.
Ai có nguy cơ bị bệnh trĩ?
Qua thống kê và khảo sát, một số đối tượng thường mắc bệnh trĩ có thể kể như:
– Những người phải ngồi lâu, ít vận động, đứng nhiều do tính chất công việc như nhân viên bán hàng, thợ may, thư ký, nhân viên biên tập, nhân viên văn phòng…
– Những người mắc bệnh táo bón kinh niên khi đi đại tiện phải rặn nhiều làm tăng áp lực trong lòng ống hậu môn khiến các búi trĩ to dần và sa ra ngoài gây nên bệnh trĩ.
– Những người bị kiết lỵ: người bị kiết lỵ có cùng đặc điểm là phải đi đại tiện nhiều lần trong ngày làm tăng áp lực trong ổ bụng và làm tăng thể tích của búi trĩ.
– Ngoài ra, những bệnh nhân mắc các bệnh khác như hội chứng ruột kích thích, tăng áp lực trong ổ bụng, u bướu vùng hậu môn trực tràng và các vùng xung quanh cũng có nguy cơ mắc bệnh trĩ.
– Phụ nữ mang thai: Khi mang thai, tử cung của người phụ nữ mở rộng làm tăng áp lực tĩnh mạch khu vực hậu môn là nguyên nhân của bệnh trĩ.
– Phụ nữ cho con bú : thường mắc bệnh trĩ, táo bón do hậu quả của quá trình mang thai để lại. Đồng thời trong thời gian cho con bú, họ thường có thói quen kiêng khem trong chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt. Điều này càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ.
Những điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh
Táo bón kinh niên: Những bệnh nhân này mỗi khi đi cầu rặn nhiều, khi rặn áp lực trong lòng ống hậu môn tăng lên gấp 10 lần. Táo bón lâu ngày làm xuất hiện các búi trĩ. Các búi trĩ dần dần to lên và khi to quá sẽ sa ra ngoài.
Hội chứng lỵ: Những bệnh nhân bị bệnh lỵ mỗi ngày đại tiện nhiều lần và mỗi lần đại tiện phải rặn nhiều làm tăng áp lực trong ổ bụng.
Tăng áp lực ổ bụng: Những bệnh nhân viêm phế quản mạn tính, những bệnh nhân dãn phế quản, phải ho nhiều, những người làm lao động nặng như khuân vác… làm tăng áp lực trong ổ bụng, dễ dàng cho bệnh trĩ xuất hiện.
Tư thế đứng: khi nghiên cứu áp lực tĩnh mạch trĩ, người ta ghi nhận áp lực tĩnh mạch trĩ là 25cm H2O ở tư thế nằm, tăng vọt lên 75cm H2O ở tư thế đứng. Vì vậy, tỉ lệ mắc bệnh trĩ ở người phải đứng lâu, ngồi nhiều, ít đi lại như thư ký bàn giấy, nhân viên bán hàng, thợ may …
U bướu hậu môn trực tràng và vùng chung quanh: như ung thư trực tràng, u bướu vùng tiểu khung, thai nhiều tháng… khi to có thể chèn ép và cản trở đường về tĩnh mạch hồi lưu làm cho các đám rối trĩ căng phồng lên tạo thành bệnh trĩ.
Trong những trường hợp này, trĩ được tạo nên do những nguyên nhân cụ thể, rõ ràng nên được gọi là trĩ triệu chứng, khi điều trị ta phải điều trị nguyên nhân chứ không trị như bệnh trĩ.
Cách phòng ngừa và điều trị bệnh trĩ
Trong thời đại ngày nay bệnh trĩ là một bệnh chiếm đa số những ca mắc bệnh ở vùng hậu môn, do vậy mỗi người chúng ta vần có những biện pháp riêng để ngăn ngừa mắc bệnh.
Ăn đúng cách : Nên ăn nhiều thực phẩm thô có hàm lượng chất xơ cao như rau xanh, hoa quả và các loại đậu, uống nhiều nước làm cho đại tiện luôn được thông suốt. Hạn chế ăn các thực phẩm kích thích như ớt cay, tỏi, hành, mù tạt…
Đại tiện đúng giờ: Nên hình thành thói quen mỗi sáng sớm thức dậy đúng giờ đại tiện, điều này có tác dụng rất lớn trong việc phòng chống bệnh trĩ. Không nên nhịn đại tiện vì sẽ gây ra táo bón.Các thói quen như ngồi trong nhà vệ sinh quá lâu, đọc báo trong nhà vệ sinh hoặc dùng lực quá sức …đều là thói quen không tốt, nên thay đổi.
Vận động khi bầu bí : Phụ nữ sau khi sinh nở có thể làm cho áp lực của bụng tăng cao, đặc biệt là khi đau đẻ giai đoạn cuối, tĩnh mạch bụng dưới chịu chèn ép rất lớn của tử cung, trực tiếp ảnh hưởng đến lưu thông máu. Hơn nữa, thời kỳ mang thai hoạt động khá ít, sẽ làm cho chức năng dạ dày đường ruột yếu đi, gây táo bón… từ đó cũng dẫn đến bệnh trĩ. Vì vậy, trong thời gian bầu bí, các bà bầu nên tăng cường hoạt động thể chất thích hợp, tránh ngồi hay đứng quá lâu, đồng thời chú ý giữ cho đại tiện được thông suốt. Mỗi ngày sau khi đại tiện xong dùng nước ấm vệ sinh để tăng tuần hoàn máu.
Giữ vệ sinh vùng hậu môn: tắm và rửa sạch khu vực hậu môn sau khi đi đại tiện.
Tăng cường tập luyện: Thường xuyên tham gia nhiều loại thể dục thể thao, có thể tăng cường khả năng phòng chống bệnh cho cơ thể, giảm thiểu khả năng phát bệnh, có tác dụng nhất định để phòng ngừa bệnh trĩ. Điều này là do tuần hoàn máu được cải thiện, thúc đẩy dạ dày đường ruột hoạt động, tăng bài tiết.
Ngoài biện pháp phòng ngừa trĩ, người mắc bệnh trĩ nên trực tiếp gặp bác sĩ chuyên khoa để khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Tùy vào mức độ nặng nhẹ để lựa chọn hướng điều trị phù hợp, có thể uống thuốc hay can thiệp bằng phẫu thuật.